|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Nghĩa Hoà là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời, có đời sống văn hóa dân gian phong phú, thống nhất trong đa dạng, được hình thành qua các thế hệ. Nơi có 05 di tích lịch sử - văn hoá được công nhận cấp  tỉnh, cấp quốc gia như: Chùa Quang Minh (chùa Thông), đình Mỹ Hoà (đình Đảng), Nghè Sộp, đình Văn chỉ Bằng, Chùa Am Sắn gắn với những dấu ấn của ông, cha trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

- Chùa Thông (Quang Minh Tự ): Hiện có tòa tiền đường 5 gian 2 chái và tòa thượng điện 3 gian, kết cấu theo hình chữ Đinh (T). Chùa được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, kết cấu theo lối kẻ chuyền chồng rường, giá chiêng. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật có một không hai ở Nghĩa Hòa. Hiện chùa còn lưu giữ được 26 pho tượng phật bằng gỗ mít tạc vào thời Lê, cùng một số pho tượng khác mới được bổ sung. Có 5 bình hương thời Nguyễn, có bức hoành phi “Quang Minh Tự”, có chiếc Khánh đồng được đúc vào năm Bảo Đại thứ 9 (năm 1936). Năm 2001, Chùa Thông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp Bằng: Di tích Lịch sử Văn hóa.

          - Đình Mỹ Hòa ở thôn Đảng nay còn gọi là đình Đảng. Đình Mỹ Hòa được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVIII). Đình do dân 3 xã Mỹ Hòa, Khoát Giã và Liệt Hạ hưng công xây dựng, nên còn gọi là đình 3 xã. Đình có 3 gian, 2 chái theo kiểu chữ Nhất (-), trong đình, còn lưu giữ một tấm bia đá được tạo vào năm Bảo Thái thứ 6 (1710), một bát hương gốm sành thời Lê trang trí Rồng chầu, phượng múa, có thanh đao, mâm bồng, bài vị, lọ hoa... Người được thờ ở Đình Mỹ Hòa là Cao Sơn thượng đẳng thần. Hội lệ cùng ngày Hội lệ Chùa Thông vào mồng 10 tháng Giêng hàng năm. Đình Mỹ Hòa đã được Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cấp Bằng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật. (Lịch sử – Văn hóa)

- Chùa Am Sắn(Am Sắn Tự) tọa lạc trên một quả đồi ở về phía Tây nam thôn Đình Cẩu. Chung một khuôn viên còn có đình và nghè, tạo nên một quần thể di tích uy nghiêm dưới bóng đa cổ thụ. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII. Các cột chùa đều được làm bằng đá xanh, với ba dạng khác nhau: cột tròn, cột vuông 4 mặt và cột lục lăng 6 mặt. Hai cột đá vuông 4 mặt đều có khắc chữ Hán. Nội dung văn khắc ở hai cột đá là ghi tên các thiện nam, tín nữ ở Nghĩa Hòa có lòng hưng công tu tạo tiền đường 5 gian với các cột đá vững chắc.

Trong tòa thiêu hương có một hòm sắc được tạo từ thời Nguyễn, ngoài phủ sơn son thếp vàng, bên trong lưu một đạo sắc phong của triều đình, do vua Khải Định phong sắc ngày 25/7/1924: với nội dung vị thần được thờ ở đình là Lâm Giang đô thống thượng đẳng thần. Hệ thống tượng phật có 13 pho đều được tạo tác bằng đất và mang phong cách thời Nguyễn. Duy chỉ có pho tượng Thích ca sơ sinh được tạo bằng chất liệu gỗ mít với kích thước nhỏ. Hội lệ Chùa Am Sắn tổ chức vào Rằm tháng giêng âm lịch hàng năm. Ngày 30/01/2004,  Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định cấp Bằng công nhận Chùa Am Sắn là “Di tích Kiến trúc, Nghệ thuật”.

- Văn chỉ - Đình  Bằng: là cụm di tích tọa lạc chung một khuôn viên ở giữa làng Bằng: gồm có khu đình ở trước và văn chỉ ở phía sau, theo kiểu “tiền thần, hậu thánh”. Đình Bằng thờ thần Cao Sơn - Quý Minh làm thành hoàng làng. Văn chỉ thờ Đức Thánh Khổng Tử. Khu di tích này đã được xây dựng từ lâu, đến năm 1797 đã tu bổ lại. Nay chỉ có tòa hậu cung (gọi là Quán Thánh) là nguyên trạng. Tòa tiền tế, gọi là đình mới được làm vào năm 2000.

Văn chỉ Bằng là văn chỉ hàng tổng (thuộc Tổng Thịnh Liệt) cũng là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Trong tấm văn bia lập năm 1797 tại Văn chỉ Bằng có kê tên những người học trò giỏi của Tổng. Trong đó có cụ Đồng Đăng Tướng là người ở làng Hạ (Nghĩa Liệt). Cụ học và sau này được làm thầy dạy học ở Văn chỉ Bằng. Cụ được “Gia phong tiền quốc tử giám sinh”, được ban Hổ tướng được quyền thống lĩnh một vùng. Cụ mất ngày 11/9 âm lịch (không rõ năm), nên Hội Tư văn Tổng Thịnh Liệt lấy ngày 11/9 âm lịch hàng năm làm ngày hội lệ, để Hội Tư văn làm lễ tế Khổng Tử và tưởng niệm cụ. Xét giá trị của di tích, ngày 28/01/2003 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định số 178/QĐ-CT xếp hạng Văn chỉ Bằng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

*Nghè Sộp:  Có 02 tòa tiền tế và tòa hậu cung đều xây dựng vào thế kỷ XVII. Tòa tiền tế còn nguyên trạng, gồm 3 gian, 2 chái, không chạm khắc cầu kỳ. Toàn bộ hệ thống cột, xà bằng gỗ lim chắc khỏe. Hiện còn giữ được một số đồ thờ có giá trị, như ngai thờ 3 chiếc, bát hương gốm Thổ Hà, kiệu song hành thời Lê. Tòa hậu cung cách tòa tiền tế một sân nhỏ. Tòa này có 2 gian, đặt ngai thờ và một số đồ thờ tự khác cùng nhiều câu đối bằng chữ Hán - Nôm. Lễ hội hàng năm ở Nghè Sộp được tổ chức vào mùa xuân (mồng 3 Tết âm lịch) và mùa thu (19 - 20 tháng Tám âm lịch). Nghè Sộp đã được Chủ tịch UBND tỉnh cấp Bằng công nhận Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật.

Truyền thống văn hóa của nhân dân xã Nghĩa Hoà là thành quả, kết tinh hàng ngàn năm lao động sáng tạo đấu tranh kiên cường xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, là kết quả giao lưu và hội tụ bởi văn hóa của nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và trong cộng đồng dân tộc Việt. Truyền thống văn hóa của nhân dân Nghĩa Hoà không ngừng phát huy, phát triển, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến trên nhiều mặt. Tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước, nhân dân Nghĩa Hoà đã và đang ra sức quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7,147
Tổng số trong ngày: 9
Tổng số trong tuần: 109
Tổng số trong tháng: 344
Tổng số trong năm: 2,261
Tổng số truy cập: 12,762